Bậc Toàn giác và Alahan

    0
    851

    Có hành giả muốn trở thành bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vị ấy tưởng tri bậc Toàn giác, sau khi nhập Niết-bàn là bậc Toàn giác; bậc Alahan, sau khi nhập Niết-bàn là bậc Alahan. Vị ấy tưởng tri, sự sai biệt giữa bậc Toàn giác và bậc Alahan, trước khi nhập Niết-bàn như thế nào, thì sau khi nhập Niết-bàn cũng như thế. Vì tưởng tri như vậy, vị ấy muốn trở thành bậc Toàn giác, không muốn trở thành bậc Alahan. Đó là nguyện vọng được sanh khởi từ tưởng tri, không phải sanh khởi từ thắng tri; sanh khởi từ ham muốn, không phải bởi lòng từ mẫn đối với tất cả chúng sinh. Vì sanh khởi từ tưởng tri, từ ham muốn, nguyện vọng ấy dễ dàng thối chuyển.

    Tất cả hành vô thường. Cái gì trước chưa có, nay có, cái ấy vô thường. Cái gì có sự làm, cái ấy vô thường. Vì vô thường, cái ấy không phải ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Cái gì không phải ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta, Niết-bàn không có cái ấy.

    Ở đây, với bậc Toàn giác, bậc Alahan, cái gì có sự làm, trước chưa có, nay có? Minh, hạnh, phước báu, công đức và mọi ba la mật. Niết-bàn không có năm cái ấy.

    Cái gì là sự sai biệt giữa bậc Toàn giác và bậc Alahan? Minh, hạnh, phước báu, công đức và ba la mật. Ở đây, do vậy, bậc Toàn giác và bậc Alahan, sau khi nhập Niết-bàn, không có sai biệt. Vì sao vậy? Vì Niết-bàn không có minh, hạnh, phước báu, công đức và ba la mật. Vì rằng, không có cái bị làm, cái vô thường nhập Niết-bàn. Không có bất cứ cái gì nhập Niết-bàn, huống là có cái bị làm, cái vô thường nhập Niết-bàn. Bất cứ cái gì có nhập Niết-bàn, cái ấy không phải ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Bất cứ cái gì không nhập Niết-bàn, cái ấy cũng không phải ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Tóm lại, tất cả hành vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy không phải ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta.

    Ở đây, phải chân chánh suy nghĩ như sau. Vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc, vì an lạc, vì lợi ích cho Chư Thiên và loài người, dũng mãnh, phát đại tâm thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Theo hạnh nguyện ấy, qua hàng chục A-tăng-kỳ, vun bồi minh, hạnh, phước báu, công đức, ba la mật, với mục đích chẳng ngoài hạnh nguyện ấy. Sự viên mãn hạnh nguyện ấy, cũng chính là sự chấm dứt mọi phương tiện của hạnh nguyện ấy. Chẳng phải vì cái gì có được cho ta hay cho tự ngã của ta. Vì chẳng có gì có thể có được cho ta hay cho tự ngã của ta. Và ở đây, đoạn tận tất cả lậu hoặc, chấm dứt sinh tử luân hồi, là mục đích riêng cho bản thân, việc phải làm của tất cả chư Bồ tát và chư hành giả.

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    Xem thêm