• Trang chủ
  • Pháp đốn ngộ hay con đường đi tắt - con đường tối tăm

    Pháp đốn ngộ hay con đường đi tắt - con đường tối tăm

    0
    867

    "Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.".

    Thế Tôn đã thuyết vắn tắt như vậy, sau khi nghe được như vậy, ngài Bàhiya đã chứng ngộ Niết-bàn.

    Đây là sự thật lịch sử, trở thành giai thoại trong Phật giáo, khiến cho nhiều hành giả như sáng hẳn ra, òa lên, rống lên: "Đốn ngộ là pháp này, đốn ngộ là pháp này, ta hãy dùng pháp này, không cần gì nhiều thời gian, nhiều phương pháp, tuần tự sơ trung hậu". Rồi cũng có nhiều hành giả như sáng hẳn ra, òa lên, rống lên: "Đây là pháp đốn ngộ, sự thật như vậy. Không cần gì nhiều thời gian, nhiều phương pháp, tuần tự sơ trung hậu. Ta cũng có pháp đốn ngộ. Phật tính không hai. Năng lực giác ngộ đều sẵn. Chỉ cần bỏ vọng, nhập chơn, liền triệt ngộ. Ai cũng có thể đốn ngộ. Thật hoan hỷ cho ta. Ta hãy áp dụng pháp đốn ngộ và cũng trao cho nhiều người được lợi ích này".

    Rồi các hành giả, y cứ như vậy, chủ trương như vậy, tuyên truyền như vậy, tự mình áp dụng và khuyến người áp dụng.

    Lịch sử cho biết, không ai trong số họ, trước khi mạng chung, tuyên bố rằng: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn sinh nữa".

    Vì sao vậy? Vì bất giác. Bất giác gì? Không như lý tác ý đến hạnh đức và minh đức mà ngài Bàhiya đã thành tựu được, trước khi nghe được bài pháp ngắn này từ bậc Toàn giác. Vì không như lý tác ý như vậy, nghĩ rằng: "Đây là pháp để đốn ngộ", hay nghĩ rằng: "Có pháp để đốn ngộ", không phân biệt minh hạnh mỗi người có sai biệt. Vậy nên, họ như sáng hẳn ra, òa lên, rống lên, tự mình áp dụng và bảo người áp dụng.

    Vì rằng, họ không liễu tri nội dung chứng ngộ giải thoát; không liễu tri điều kiện duy nhất để chứng ngộ giải thoát; không liễu tri nội dung của điều kiện ấy; không liễu tri phương tiện duy nhất để thành tựu điều kiện ấy; không liễu tri "điều kiện phải có" để thành tựu điều kiện ấy; không liễu tri con đường duy nhất phải tu tập để thành tựu "điều kiện phải có"; không liễu tri các hạnh cận duyên, tư trợ cần phải thành tựu.

    Thế nào là nội dung chứng ngộ giải thoát? Chánh giải thoát. Nghĩa là tự biết mình đã giải thoát, như thật biết rằng: "sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn sinh nữa".

    Thế nào là điều kiện duy nhất để chứng ngộ giải thoát? Chánh trí.

    Thế nào là nội dung của điều kiện chứng ngộ giải thoát, tức là nội dung của Chánh trí? Như thật rõ biết: "Đây là Khổ", "Đây là Khổ tập", "Đây là Khổ diệt", "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt".

    Thế nào là phương tiện duy nhất để thành tựu điều kiện chứng ngộ giải thoát, tức là phương tiện duy nhất để thành tựu Chánh trí? Dẫn tâm - hướng tâm quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế: Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Con đường đưa đến Khổ diệt.

    Thế nào là "điều kiện phải có" để thành tựu điều kiện duy nhất để chứng ngộ giải thoát, tức là "điều kiện phải có" để thành tựu Chánh trí? Bảy giác chi viên mãn, hoặc/và tám tâm thuần tịnh: định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh.

    Thế nào là con đường duy nhất phải tu tập để thành tựu "điều kiện phải có"? Tám Thánh đạo. Tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh tin tấn (Bốn chánh cần), Chánh niệm (Bốn niệm xứ), Chánh định (Bốn thiền sắc giới).

    Thế nào là các hạnh cận duyên, tư trợ cần phải thành tựu? Sáu hạnh. Tức là Giới đức (Tàm quý, Thân Khẩu Ý thanh tịnh, Chánh mạng), Hộ trì các căn, Tiết độ trong ăn uống, Chú tâm cảnh giác, Chánh niệm tỉnh giác, Tịnh trừ năm triền cái.

    Vì không hiểu biết như vậy, y cứ như vậy, chủ trương như vậy, tuyên truyền như vậy, tự mình áp dụng và khuyến người áp dụng như vậy. Như vậy, các vị ấy thành tựu tà kiến.

    Thế nào là tà kiến? Không biết: "Đây là Khổ", "Đây là Khổ tập", "Đây là Khổ diệt", "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt".

    Với tà kiến như vậy, nếu không từ bỏ, không yết kiến bậc Chân nhân, không thành thục pháp của bậc Chân nhân, không yết kiến bậc Thánh, không thành thục pháp của bậc Thánh, vị ấy lại tinh tấn, tinh cần tu tập, thời chín thứ tà này được chờ đợi ở nơi vị ấy. Thế nào là chín? Tà tư duy, tà nghiệp, tà ngữ, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát.

    Khi tà giải thoát khởi lên, vị ấy tưởng tri niết bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri niết bàn là Niết-bàn, nghĩ đến Niết-bàn, đối chiếu với Niết-bàn, nghĩ đến "tự ngã" như là Niết-bàn, vị ấy nghĩ: “niết bàn là của ta”. Vị ấy dục hỷ niết bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không liễu tri Niết-bàn.

    Vì thành tựu tà giải thoát, vị ấy không làm xong những việc cần phải làm. Thế nào là những việc cần phải làm xong? Mười chánh. Tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh trí, Chánh giải thoát. Đó là những việc cần phải làm xong.

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!

    Xem thêm